Chủ Nhật, 23 tháng 12, 2012

Bản Hồ - Sapa

Không một du khách nước ngoài nào trước khi rời khỏi bản Hồ mà không để lại những dòng lưu bút đầy xúc động; bởi ngoài cảnh sắc thiên nhiên vô cùng quyến rũ cùng những phong tục tập quán được gìn giữ lâu đời, người dân nơi đây còn vô cùng thân thiện và mến khách.

Trước khi lên đường đi bản Hồ (thuộc xã Bản Hồ, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai; cách thị trấn Sa Pa khoảng 20km về phía đông nam, cao hơn 435m so với mặt nước biển), bạn nên ghé qua chợ thị trấn mua lương thực và thực phẩm bởi theo người dân bản địa, ở đây chỉ rau xanh là sẵn. Sau đó bạn hoàn toàn có thể yên tâm lên đường. Phương tiện đi lại chủ yếu là xe jeep (giá 300.000 đồng cho cả hai chiều đi - về) nhưng xe ôm vẫn được nhiều du khách lựa chọn bởi giá rẻ (30.000 đồng một chiều), lại chủ động được thời gian.

Bản Hồ của người Tầy nằm trải dài trong thung lũng,
chênh vênh trên những sườn đồi, dốc núi

Không rét mướt như ở Sa Pa. Không quá lạnh như ở Tả Phìn hay Tả Van... Tiết trời ấm dần lên. Xe cứ chạy trên con đường ngoằn ngoèo uốn lượn, một bên là núi cao sừng sững một bên là vực thẳm hun hút, cho đến khi trước mắt òa ra một màu vàng pha chút màu nâu đỏ của lá, của cánh rừng quốc gia Hoàng Liên và những thửa ruộng bậc thang cao thấp; đi thêm chút nữa sẽ gặp một ngôi nhà xây bằng đá bỏ hoang ven đường, cạnh đó là cái nhà sàn phía trước có bày bán thổ cẩm, bánh kẹo, nước giải khát... và có những du khách nước ngoài ngồi nghỉ chân - quán bà Cảnh - thì biết là đã đến bản Hồ.
Những ngôi nhà trong Bản
Tưởng gần mà hóa xa, bản Hồ nằm ở dưới thung lũng kia, du khách có thể nhìn thấy rõ những làn khói bay lên trên những nóc nhà, bắc ngang qua dòng suối là một cái cầu treo sơn đỏ và những con đường ngoằn ngoèo, lúp xúp dưới những tàn cây. Quán bà Cảnh được các hướng dẫn viên du lịch coi như là trạm trung chuyển bởi tuy xe có thể đưa du khách xuống đến tận nơi, nhưng như thế làm sao thú vị bằng xuống đi bộ tắt qua đường mòn trên núi, thỉnh thoảng lại gặp một con suối róc rách chảy qua.

Dọc đường đi nếu vào mùa ổi chín thơm lừng thì chẳng có gì tuyệt hơn! Vậy nên cánh tài xế chỉ có việc “đổ” khách ở đây rồi quay trở lại thị trấn Sa Pa, cứ đúng ngày giờ đến đón như đã hẹn. Việc dẫn đường đã có những thiếu nữ người dân tộc Dao đợi sẵn đảm trách, hoàn toàn miễn phí.
Cuộc sống đời thường của những người dân trong Bản
Đến bản Hồ, bạn sẽ được sống và sinh hoạt trong không khí ấm cúng và thân mật cùng gia đình. Buổi sáng, bạn sẽ được hướng dẫn tham quan vườn quốc gia Hoàng Liên, nơi có chủng thực vật, động vật vô cùng phong phú. Vì khí hậu ở bản Hồ ấm hơn Sa Pa (trung bình từ 18 - 25OC) nên buổi trưa từ trong rừng ra du khách đã có thể hòa mình vào dòng suối Lave, ngắm thác Đá Nhảy hùng vĩ, bọt tung trắng xóa.

Cơm nước buổi trưa xong, người chủ nhà mến khách sẽ đưa bạn đến thôn của người Dao Đỏ trên núi cao tắm lá thuốc. Dù có phải leo bộ 3km đường núi bạn cũng không nên bỏ lỡ cơ hội có một không hai này. Lá thuốc có 18 vị, người Dao phải đi lấy tận trên rừng. Sau khi phơi khô, sao vàng rồi hạ thổ mới có thể dùng được. Nước thuốc sẽ được đổ vào chiếc thùng làm bằng gỗ pơmu thơm ngát, nóng hay lạnh tùy thuộc sức chịu đựng của mỗi người (nhưng theo những người dân ở đây thì càng nóng càng tốt).
Đến với Bản Hồ chúng ta sẽ bắt gặp những đứa trẻ với đôi mắt hồn nhiên và trong sáng
Bạn sẽ ngâm mình vào thùng nước ít nhất khoảng một giờ đồng hồ, nhưng cứ 15 phút một lần lại có người rút nước ra đổ thêm nước mới vào. Khi đứng lên bạn sẽ thấy người lảo đảo như say rượu nhưng chỉ chừng nửa tiếng sau đã thấy có tác dụng rõ rệt: người khỏe khoắn, sảng khoái hẳn và “sung” vô cùng.

Khi mặt trời bắt đầu xuống núi là lúc bạn đi dạo một vòng quanh bản, đến những nhà dân xem dệt thổ cẩm và có thể mua cho mình một tấm với giá chỉ khoảng 20.000 đồng mà rộng đủ quấn quanh người thành một cái... váy. Vào những tối cuối tuần ở bản Hồ, bạn có thể đến các nhà sàn văn hóa vui chơi ca hát cùng người dân bản địa. Mỗi dân tộc sẽ mang đến những trò chơi, điệu múa và những món ăn độc đáo của mình ra mời du khách...

0 nhận xét:

Đăng nhận xét