Thứ Ba, 18 tháng 12, 2012

Bậc thang lên thiên đường ở Mù Cang Chải

Cung đường đầy mạo hiểm, ruộng bậc thang mỗi mùa một vẻ đẹp riêng, những ngôi nhà ẩn hiện trong mây, trong màu xanh của lúa, Mù Cang Chải luôn, địa điểm hút chân dân phượt và du khách.

Có thể tạm chia danh thắng của Yên Bái thành hai nhóm, một là nhóm dành cho dân du lịch bụi, phượt thủ và những người thích chụp ảnh. Hai là du lịch về cội với hàng loạt các ngôi chùa nổi tiếng.

Mù Cang Chải nổi tiếng với cái khúc cua đầy nguy hiểm của cung đường, vẻ hùng vĩ, hoang sơ của những ngôi nhà ẩn hiện trong cái bao la của đất trời, nét thơ mộng, thanh bình của những ngôi nhà được bao bọc bởi những cánh đồng...

Song nổi bật nhất là vẻ đẹp biến thiên của những ruộng bậc thang, khi xuất hiện như những vệt loang ấn tượng mùa nước đổ, khi xanh ngát nối thẳng vào màu thăm thẳm của bầu trời như “nấc thang lên thiên đường”, khi nhuộm sắc vàng bao la của lúa.



Điểm phượt thứ hai thú vị không kém là Mường Lò với hàng loạt trải nghiệm thú vị. Đầu tiên là cung đường tuyệt đẹp, những đồi chè bát ngát, chợ Mường Lọ nhiều màu sắc. Ngoài ra, địa danh này còn thu hút du khách với lễ hội Xên Mường, suối nước nóng, những điệu múa xòe và  những món ăn đặc sắc.

Bên cạnh hai địa danh này, du khách thuộc nhóm khám phá cũng thích trải nghiệm cảm giác lênh đênh ở hồ Thác Bà, tham gia lễ hội đua thuyền mùa xuân, chiêm ngưỡng vẻ hùng vĩ của ngọn thác cùng tên; hay trải nghiệm cảm giác phiêu lưu ở thác Mơ; tìm và sưu tầm đá nhiều màu sắc ở chợ đá Lục Yên.


Nổi bật nhất nhóm du lịch tâm linh của Yên Bái là lễ hội tại đền Đông Cuông, một trong hai ngôi đền lớn nhất vùng thượng lưu sông Hồng, diễn ra vào ngày Mão đầu tiên của năm. Đến với lễ hội này, bạn sẽ tìm hiểu về những điều kỳ bí trong đêm hội mổ trâu trắng tế mẫu, nghi thức lễ rước mẫu qua sông, lễ dâng hương tế mẫu tại miếu Ghềnh Nhai… Bên cạnh việc hòa mình vào lễ hội, bạn còn có dịp tham quan, chiêm ngưỡng một di tích nổi tiếng là phong cảnh sơn thủy hữu tình.

Đền Tuần Quán, tên gọi ngày trước là “Đền Thần Diệp phu nhân Bách Lẫm”, địa danh thứ hai trong nhóm du lịch tâm linh nổi bật với thiết kế từ thời Lê cùng hàng loạt lễ hội như Lễ Thượng Nguyên (ngày 15 tháng Giêng), Hội mẹ (ngày 03 tháng 03), Giỗ quan lớn Tuần Chanh (ngày 15 tháng 5), Hội cha - lễ thánh Trần (ngày 20 tháng 8), Lễ tất niên - đóng cửa đền (ngày 25 tháng 12).

Ngoài ra, nếu có thời gian, bạn có thể tạt vào chiêm bái hàng loạt những ngôi chùa , tháp như khu chùa tháp Hắc Y, chùa Ngọc Am, chùa Vạn Thắng, đền thánh Mẫu Âu Cơ linh từ.

Di chuyển

Phần di chuyển sẽ xuất phát từ Hà Nội, những bạn ở tỉnh khác vui lòng tham khảo thông tin tại bến xe mỗi tỉnh.


Hồ Thác Bà thơ mộng

Bằng phương tiện công cộng

Bạn có thể mua vé xe tuyến Hà Nội – Yên Bái tại bến xe Mỹ Đỉnh hay đặt vé ở các hãng xe chuyên tuyến đường này như xe Mười Hoa, xe Hùng Liên, xe Dũng Thảo

Bằng phương tiện cá nhân

Yên Bái cách Hà Nội khoảng 180km. Từ Hà Nội, bạn có thể đi Yên Bái theo nhiều đường khác nhau:
- Qua Sơn Tây, cầu Trung Hà, Tam Nông cứ dọc bờ sông Hồng mà ngược đến cầu Văn Phú, Yên Bái.
- Cầu Thăng Long, QL2, Phúc Yên, Việt Trì, Đoan Hùng, thẳng QL70 là đến Yên Bái (dễ đi nhất, gần nhất).
- Cầu Thăng Long, Phúc Yên, Vĩnh yên, Lập Thạch, Sơn Dương, QL37, Tuyên Quang, Yên Bái.


Ánh mắt thơ ngây của những đứa trẻ vùng cao

Lưu trú

Khu vực trung tâm Yên Bái gồm các tuyến đường Đinh Tiên Hoàng, Yên Ninh, Ngô Gia Tự…

Khách sạn Đồng Tâm, khách sạn Miền Tây, khách sạn Xổ Số… có mức giá tầm 160.000 đồng trở lên, thích hợp cho các bạn đi phượt.

Ngoài ra nếu đi đông, nhóm bạn có thể cắm trại, chế biến đồ ăn mang theo, chi phí sẽ giảm đáng kể.

Đến vào mùa nào
Mù cang Chải mùa lúa chín

Mỗi mùa, mỗi thời điểm, các danh thắng của Yên Bái lại khoác lên mình một vẻ đẹp riêng với màu sắc khác nhau, vì thế bạn có thể đến tỉnh bất kỳ thời điểm nào trong năm.

Đặc sản Yên Bái

Đặc sản Yên Bái đa số gắn với nền nông nghiệp của nơi đây. Một số cái tên nổi bật là táo mèo, chè tuyết, lạp cá, dế mèn (Mường Lò), pơ mu.


Những hình ảnh như muốn níu chân du khách


Mang gì khi đến Yên Bái?

Tất cả các trang phục bạn yêu thích. Lưu ý ăn vận kín đáo khi viếng chùa và quần áo gọn gàng, tiện lợi cho việc di chuyển khi phượt.
- Mang dụng cụ chống nắng nếu đến vào mùa nắng, dụng cụ đi mưa nếu đến vào mùa mưa.
- Mang kem chống muỗi, thuốc trị côn trùng, thuốc trị các tật bệnh cơ bản.
- Mang áo khoác mỏng hay áo khoác dày (tùy mùa) để đối phó với cái lạnh vùng cao vào ban đêm.
- Mang lều, mền nếu có ý định cắm trại.

Những cung đường thường gặp

- Hà Nội – Yên Bái - Tuyên Quang – Hà Giang
- Hà Nội – Yên Bái – Phú Thọ - Sơn La
- Hà Nội – Yên Bái – Lào Cai – Lai Châu

0 nhận xét:

Đăng nhận xét